“Không theo con đường của hai tiểu thuyết Đất trời vần vũ và Ngược mặt trời với lối viết huyền ảo tạo ra chỗ đứng vững chãi trong làng văn, Nguyễn Một quay trở lại với mảnh đất hiện thực của riêng mình, kiên nhẫn đào sâu hơn xuống những tầng vỉa mới của sự phi lý gây nên bởi chiến tranh. Câu chuyện dàn trải, nhiều tuyến nhân vật, nhiều sự kiện đan cài, nhiều số phận, nhiều góc nhìn, nhiều nỗi đau buồn, nhiều sự vu vơ...
Nếu xét trên tiêu chuẩn hình thức mang tính cổ điển, thì tiểu thuyết mới nhất đang được nói tới của Nguyễn Một có vẻ giống như hồi ký. Những tư liệu lịch sử, những diễn ngôn của các nhân vật điều hành chiến tranh, tác phẩm được trích dẫn của các nhà văn nhà thơ, nghệ sĩ nổi tiếng… đã vô tình “chứng thực” điều này.
Nhưng, lại “nhưng”, nếu mọi thứ đều phải theo ý độc giả, thì hóa ra chẳng cần đến các sáng tạo cá nhân. Giống như hồi kí nhưng không phải là hồi kí cũng chính là một thủ pháp. Và Nguyễn Một công khai dùng thứ thủ pháp này bền bỉ, tự tin nhất, trong tác phẩm của anh. Xét cho cùng thì không gì hiện thực hơn chiến tranh nhưng bản thân nó lại là sản phẩm của hư cấu. Bịa ra cuộc chiến (như chúng ta vẫn đang thấy), tô vẽ cho nó, khoác cho nó các danh nghĩa, các mục đích mĩ miều, để hợp pháp hóa, hoặc tự huyễn mình về tính cần thiết của hành động tàn phá, giết chóc…chính là sự hư cấu khủng khiếp nhất.
Bám vào điểm tựa nghệ thuật này, Nguyễn Một chủ động xóa nhòa giữa hiện thực và hư cấu. Hiện thực giống như bịa, trong khi thứ tưởng bịa lại là hiện thực. Cứ thế nó đưa mỗi bạn đọc vào cuộc chiến của riêng mình. Khi đó mỗi bạn đọc là một chiến binh tham gia cuộc chiến. Họ là (bị tác giả biến thành) một bãi chiến trường ngổn ngang bom đạn, máu me. Họ vừa là phe này, vừa là phe kia, vừa thấy mình chính nghĩa, vừa thấy ngay ở mỗi hành động chính đáng một sự phi lí kinh hoàng. Nỗi dằn vặt lớn là họ sẽ luôn phải đưa ra vô số quyết định về mặt đạo đức và tất cả đều khi đã ở chân tường.
Ý nghĩa nhân văn lớn lao nhất mà ta nhận được sau khi khép lại cuốn sách, là lời kết án: Chiến tranh, mi đừng có sinhra trên thế gian này!
Tôi nghĩ đây là cuốn tiểu thuyết nên đọc bởi không chỉ là câu chuyện tình dang dở mà qua đó, Nguyễn Một đã kỳ công đưa lại cho chúng ta những “nỗi đau” của người dân trong cuộc chiến…” (Tạ Duy Anh)