Lựa chọn con đường phát triển
Trong 18 tháng qua chúng ta có thể cảm nhận được những chuyển động rõ nét sau cam kết của Chính phủ Việt Nam tại hội nghị COP26 về mục tiêu đưa phát thải ròng về 0 (net zero) vào năm 2050. Trên phương diện truyền thông, tin tức từ các hội thảo, hội nghị về phát triển bền vững, kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh, net zero… thu hút sự quan tâm to lớn của cộng đồng doanh nghiệp. Các doanh nghiệp xuất khẩu, đặc biệt xuất khẩu vào các thị trường EU và Hoa Kỳ, ráo riết thuê các đơn vị tư vấn chuyển đổi sang sản xuất xanh, tìm cách cắt giảm các công đoạn phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính, gây ô nhiễm. Không chỉ doanh nghiệp đầu tư nước ngoài, nhiều doanh nghiệp nội địa bắt đầu quan tâm nhiều hơn đến việc sử dụng vật liệu tái chế.
Mới nhất, Quy hoạch Điện VIII, hành lang phát triển của ngành năng lượng đã dành không gian đáng kể cho các loại hình năng lượng tái tạo. Những nhà đầu tư nhanh nhạy thậm chí đang tìm kiếm cơ hội sở hữu tín chỉ carbon, đón đầu cơ hội kinh doanh mới khi thị trường này hình thành trong vài năm tới. TP.HCM, đầu tàu kinh tế của cả nước, thành phố trực thuộc trung ương, vừa được thông qua nghị quyết về cơ chế phát triển đặc thù vào ngày 24.6, tiên phong xây dựng đề án cơ chế trung hoà carbon riêng trên địa bàn thành phố.
Tại thời điểm cộng đồng doanh nghiệp nội địa đang gặp nhiều khó khăn, đề cập đến câu chuyện phát triển bền vững không phải một khái niệm xa xỉ. Theo thống kê, trong sáu tháng đầu năm 2023, GDP Việt Nam tăng trưởng thấp 3,72%. Nhưng nhìn về dài hạn, Việt Nam vẫn có những dư địa tăng trưởng: vị trí địa lý thuận lợi trong chuỗi giao thương và sản xuất toàn cầu; thị trường lao động trẻ và năng động; nền chính trị ổn định và thị trường tiêu dùng nội địa rộng lớn. Do xuất phát điểm thấp và các yêu cầu cấp thiết về xóa đói giảm nghèo, khi mở cửa hội nhập quốc tế từ đầu thập niên 1990, Việt Nam từng chấp nhận dòng vốn FDI với nhiều ngành nghề gây ô nhiễm, ảnh hưởng lâu dài đến môi trường. Giai đoạn hiện tại là cơ hội to lớn để Việt Nam chuyển đổi, tái cấu trúc sang nền kinh tế xanh và phát triển bền vững.
Sau chuyên đề Kinh tế Tuần hoàn năm 2022, Forbes Việt Nam tiếp tục thực hiện chuyên đề này lần thứ hai nhằm ghi nhận những chuyển động của cộng đồng doanh nghiệp đang hoạt động tại Việt Nam: các sáng kiến về nền kinh tế tuần hoàn, ngành dệt may xanh hóa, thị trường tín chỉ carbon, hoạt động tái chế đồ nhựa hay chế biến phụ phẩm trong ngành thủy sản… Chúng tôi tin rằng theo thời gian, con đường phát triển bền vững sẽ là lựa chọn và đích đến của nhiều doanh nghiệp.
Nhằm phản ánh các vấn đề kinh tế thời sự và xu hướng phát triển bền vững, dự kiến vào ngày 17.8, tại TP.HCM, Forbes Việt Nam tổ chức Diễn đàn Kinh doanh 2023 và Lễ vinh danh 50 công ty niêm yết tốt nhất với chủ đề Đổi mới mô hình tăng trưởng.