Thách thức trong chuyển giao kinh doanh
Người Việt Nam có thành ngữ “Không ai giàu ba họ.” Điều này phản ánh một thực tế, ngay từ xa xưa khi mức độ cạnh tranh trên thương trường còn tương đối thấp, mô hình kinh doanh gia đình đã khó đứng vững, tồn tại sau 2–3 thế hệ.
Tổng kết này tỏ ra vẫn có giá trị tham khảo với các gia đình kinh doanh Việt Nam hiện đại. Trong thống kê 20 gia đình kinh doanh lớn nhất Việt Nam năm 2019 được Forbes Việt Nam thực hiện trong khoảng thời gian năm năm, sau lần thứ nhất chỉ còn 14/20 gia đình kinh doanh vẫn còn giữ được quy mô và sự gắn kết. Lý do, một số gia đình kinh doanh do thế hệ sáng lập hoàn toàn rút lui khỏi thương trường, vì vậy không còn mang tính chất gia đình kinh doanh. Điều đáng buồn, một số gia đình kinh doanh đã tan rã vì các xung đột nội bộ, các thành viên phân chia lại các mảng hoạt động kinh doanh, mỗi người hoạt động một mảng độc lập, không còn giữ mối gắn kết. Thậm chí, thành viên chủ chốt của một số gia đình kinh doanh có các vi phạm pháp luật kéo theo các thành viên trong gia đình vướng vòng lao lý, hoạt động kinh doanh xem như xóa sổ hoàn toàn.
Trong danh sách 20 gia đình kinh doanh lần thứ ba do Forbes Việt Nam thực hiện trên số báo quý độc giả đang cầm trên tay cũng có bốn sự thay đổi so với lần thứ hai. Sự thay đổi xuất phát từ mô hình kinh doanh không bền vững trong bối cảnh cạnh tranh mới đòi hỏi sự minh bạch và chuyên nghiệp hơn. Hoặc có gia đình đánh mất vị thế kinh doanh trên thương trường, báo hiệu sự thoái trào. Ở chiều ngược lại, xuất hiện những công ty phát triển năng động, nhanh chóng xác lập chỗ đứng trên thương trường, thế chỗ những tên tuổi cũ.
Trong quá trình hoạt động, nhiều công ty gia đình Việt Nam cũng như thế giới không tránh được các xung đột, khác biệt về quan điểm phát triển, tồn tại các hệ giá trị khác biệt, thậm chí đối lập giữa các thế hệ. Vì vậy, với bề dày phát triển 30–40 năm, một số công ty gia đình Việt Nam đã đi đến giai đoạn chuyển giao kinh doanh, có thể thành công, có thể thất bại. Các công ty còn lại dù chưa có áp lực chuyển giao nhưng không thể đứng ngoài sự chuẩn bị về quản trị và đào tạo tầng lớp kế cận. Chuyển giao kinh doanh thành công và suôn sẻ luôn là một thách thức lớn cho các công ty gia đình tại Việt Nam và trên thế giới.