Tháng 6 năm 1921, cụ Lê Thước, Giải nguyên khoa thi Hương cuối cùng của triều Nguyễn tại trường thi Nghệ An năm 1918, đã trình bày bản luận văn bằng tiếng Pháp "Về việc học chữ Hán" trong kỳ thi tốt nghiệp khóa 2 trường Cao đẳng Sư phạm Đông Dương tại Hà Nội.
Bản luận văn này được viết trong bối cảnh cuộc cải cách giáo dục, dưới áp lực của chính phủ bảo hộ Pháp, đang diễn ra mạnh mẽ trên lãnh thổ Việt Nam. Giáo dục Việt Nam đang chuyển từ một nền giáo dục truyền thống theo mô hình Trung Hoa phong kiến cùng với chữ Hán sang nền giáo dục mới theo mô hình phương Tây cùng với chữ Pháp và chữ Quốc ngữ.
Trong luận văn này, cụ Lê Thước đã phân tích kỹ vai trò và ích lợi của chữ Hán đối với xã hội Việt Nam truyền thống trên các khía cạnh: lịch sử, nền tảng đạo đức, phong tục tập quán, ngôn ngữ và văn học, thực tiễn đời sống hàng ngày. Từ sự phân tích này, cụ Lê Thước đề xuất cần phải duy trì việc dạy chữ Hán cho học sinh phổ thông ở một mức độ nhất định để giúp họ hiểu rõ hơn tiếng Việt và nền văn hóa cổ truyền mà tổ tiên để lại.