Mô Tả Sản Phẩm
Phố phường Hà Nội thuở xưa vừa ghi lại sâu sắc những dấu ấn văn hóa vừa thể hiện rõ nét sự phát đạt tinh vi của các ngành nghề. Hàng nào thức ấy. Phố Hàng Nón, bạt ngàn các kiểu: nón “cu ly”, “nhị thôn”, “ba tầm”, “quai thao”, nón “tu lờ”, lông trắng, lông cò, chóp bạc, bông bèo vàng Phố Hàng Bạc, đủ các loại đồ bạc từ thô sơ đến tinh xảo. Phố Hàng Đồng, các vật dụng đúc bằng đồng…
Nhưng thật lạ, sao không có phố Hàng Sách nhỉ? Hóa ra sách bán ở phố Hàng Gai, còn mua dây gai, thì đến phố Bát Đàn.
Lại nữa, đã có phố Hàng Vải bán các loại vải lụa, vải thâm sao phải thêm phố Hàng Đào bán lụa hồng, lụa đỏ?
Những trang viết của nhà văn hóa Hoàng Đạo Thúy sẽ giúp bạn hiểu thấu một Hà Nội khoan hòa, thanh nhã, “ghét lòe loẹt mà thích diểm dắn", qua những con phố “Hàng Gai phong nhã, Hàng Đào hào hoa”
Nhà văn hóa
HOÀNG ĐẠO THÚY (1900 - 1994)
Xuất thân trong một gia đình nhà Nho yêu nước tại làng Kim Lũ, huyện Thanh Trì, Hà Nội; học Trường Bưởi, tốt nghiệp Thành chung, sau đó dạy học tại Trường Tiểu học Sinh Từ; là thủ lĩnh phong trào Hướng đạo sinh Việt Nam tại Bắc Kỳ; giữ nhiều chức vụ quan trọng trong quân đội và là đại biểu Quốc hội khóa 1, 2…
Ông làm báo, viết văn, nhưng chuyên tâm nhất là khảo cứu. Ông đặc biệt ưa thích tìm hiểu và giới thiệu vẻ đẹp đất nước. Các tác phẩm Thăng Long - Đông Đô - Hà Nội, Người và cảnh Hà Nội, Đi thăm đất nước ta, Phố phường Hà Nội xưa… đã cung cấp nguồn tư liệu lớn, quý báu về lịch sử, địa lý và văn hóa nước ta. Với nhiều cuốn được nhận giải thưởng của Hà Nội, Hoàng Đạo Thúy đã trở thành một trong những nhà Hà Nội học tâm huyết nhất.
CÁC TÁC PHẨM CHÍNH:
- Hướng đạo sinh (1929)
- Bác Hai Bền (1941)
- Trai nước Nam làm gì? (1943)
- Nghề thầy (1944)
- Sát Thát (1958)
- Thăng Long - Đông Đô - Hà Nội (1969)
- Phố phường Hà Nội xưa (1974)
- Người và cảnh Hà Nội (1982)
- Đi thăm đất nước ta (1978)
- Đất nước ta (Chủ biên, 1989)
- Hà Nội thanh lịch (1996)