Theo thống kê của Hội Đái tháo đường Mỹ thì tính chung trên toàn thế giới:
- Cứ mỗi 10 giây, có 1 người chết do đái tháo đường - Cứ mỗi 10 giấy có thêm 2 người mới bị đái tháo đường - Cứ mỗi 5 phút có 1 người bệnh đái tháo đường bị nhồi máu cơ tim - Cứ mỗi 30 giây có 1 người bệnh đái tháo đường bị cắt chân (trong khi 30 phút có 1 người bị cắt cụt chân do mình) - Khoảng 1/3 số bệnh nhân đái tháo đường sẽ có các biến chứng về mắt, và nó là nguyên nhân gây mù hàng đầu ở nhóm người trong độ tuổi lao động - Bệnh nhân đái tháo đường có nguy cơ bị các biến chứng tim mạch (nhồi máu cơ tim, tai biến mạch não) cao gấp 2-3 lần người không bị đái tháo đường - Người đái tháo đường có nguy cơ bị suy thận giai đoạn cuối cao gấp 10 lần người không bị đái tháo đường - Mỗi năm có khoảng 4 triệu người đái tháo đường tử vong, một nửa trong số đó là dưới 60 tuổi”.
“Tại thời điểm 2019, trên thế giới có 351,7 triệu người trong độ tuổi lao động bị đái tháo đường. Con số này sẽ tăng lên 417,3 triệu người vào năm 2030 và 486,1 triệu người vào năm 2045. Việt Nam nằm trong nhóm những quốc gia có tốc độ gia tăng bệnh nhanh nhất”. (Trích đoạn)
Hiểu biết để điều trị thành công bệnh đái tháo đường là cuốn sách được viết bởi một chuyên gia trong lĩnh vực giảng dạy và điều trị bệnh – Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Quang Bảy.
Với 110 mục ở dạng hỏi – đáp, tác giả đã đưa đến một lượng kiến thức phổ cập cơ bản về bệnh tiểu đường, từ cách nhận biết, phòng tránh, đến cách chữa trị, cũng như việc ăn uống, chế độ sinh hoạt, và cả lời khuyên dành cho người nhà trong việc chăm sóc người mắc bệnh (chăm sóc từ những việc nhỏ nhất như nên chọn giày và tất cho người bị bệnh đái tháo đường vào thời điểm nào trong ngày).
Ngoài ra, bản thảo còn có bài viết của những người đã, đang và có người nhà mắc bệnh đái tháo đường ở Việt Nam, cũng như câu chuyện của các ngôi sao trên thế giới, với thông điệp: bệnh đái tháo đường không phải là bản án tử hình, nếu có sự hiểu biết đầy đủ và nghiêm chỉnh thực hiện chế độ ăn nghỉ, thể dục thể thao, dùng thuốc và giữ vững tinh thần lạc quan.
Tác giả Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Quang Bảy Giảng viên chính, Bộ môn Nội - Trường Đại học Y Hà Nội Trưởng Khoa Nội tiết - Đái tháo đường, Bệnh viện Bạch Mai Phó Tổng thư ký Hội Nội tiết - Đái tháo đường Việt Nam Đã từng học tập tại Australia, Singapore và Thụy Điển Lời nói đầu của tác giả:
“Tìm kiếm trên internet chúng ta có thể tìm thấy hàng chục triệu câu hỏi và chỉ dẫn về cách điều trị bệnh đái tháo đường, tuy nhiên khi đọc kỹ tôi thấy rất nhiều các thông tin chung chung, nặng về quảng cáo, thiếu cơ sở khoa học, và cũng không ít các thông tin sai. Để người bệnh đái tháo đường và những người chăm sóc họ có hiểu biết đúng và thực hành tốt về điều trị, theo dõi bệnh… đòi hỏi các thầy thuốc phải tiến hành giáo dục thường xuyên, liên tục, chi tiết nhưng dễ hiểu và điều quan trọng nhất là phải cung cấp được những kiến thức mà họ cần. Trong điều kiện Việt Nam chưa có đủ các bác sỹ chuyên khoa đái tháo đường, chuyên gia dinh dưỡng hay nhân viên giáo dục bệnh đái tháo đường… thì rất khó có thể thực hiện được việc này. Vì vậy tôi nghĩ rằng cần có một cuốn sách có thể đáp ứng được hầu hết các nhu cầu tìm hiểu về bệnh, nhất là cách thức điều trị bệnh cập nhật, hiệu quả và an toàn. Cuốn sách này còn là nguồn thông tin cho những ai mong muốn biết cách phòng ngừa bệnh đái tháo đường, hoặc cách chăm sóc, hỗ trợ và đồng hành với người bệnh đái tháo đường Một số bài viết trong cuốn sách đã được tôi đăng tải trên các tờ báo chuyên về sức khỏe, hoặc trao đổi với người bệnh trong những buổi sinh hoạt câu lạc bộ bệnh nhân đái tháo đường ở nhiều bệnh viện. Nội dung các câu hỏi và trả lời là các kiến thức chuyên ngành, kết hợp với các kinh nghiệm lâm sàng trong 25 năm nghiên cứu và giảng dạy về bệnh đái tháo đường. Phần khó khăn nhất đối với cả bệnh nhân và thầy thuốc là chế độ dinh dưỡng thì tôi rất may mắn được Thạc sỹ Nguyễn Át K của Trung tâm Dinh dưỡng – Bệnh viện Bạch Mai góp ý và chỉnh sửa chi tiết”. Trích đoạn
“Đâu là các triệu chứng cho thấy có thể bạn đã bị đái tháo đường?
- Khát nước nhiều và đi tiểu nhiều: Đây là những triệu chứng cổ điển thường gặp nhất trong bệnh đái tháo đường: Khi đường máu tăng cao, thận sẽ tăng lọc nhiều đường ra nước tiểu làm tăng áp lực thẩm thấu niệu sẽ kéo theo nước từ các mô trong cơ thể. Hậu quả là bệnh nhân đi tiểu thường xuyên, kèm theo khát nước nhiều.
- Cảm giác mệt mỏi như cúm: Đôi khi người bệnh đái tháo đường có một số triệu chứng giống như bệnh cúm: mệt, yếu cơ, chán ăn… đó là do cơ thể không có khả năng sử dụng đường glucose để tạo năng lượng (do thiếu insulin hoặc insulin bị đề kháng). Thay vì được sử dụng để nuôi dưỡng các tế bào thì glucose tích lũy trong máu gây cảm giác mệt mỏi.
- Gày sút: Thay đổi cân nặng cũng là triệu chứng phổ biến của bệnh đái tháo đường. Khi bị mất đường glucose qua nước tiểu thì bạn sẽ bị mất năng lượng. Đồng thời do không sử dụng được glucose nên cơ thể sẽ phải tìm nguồn năng lượng thay thế bằng cách đốt protid (cơ) và đặc biệt là lipid (mỡ) nên người bệnh sẽ bị gày sút nhiều. Thường gày sút nhiều hay đi kèm đói nhiều là các triệu chứng điển hình của đái tháo đường typ 1.
- Nhìn mờ: Bệnh đái tháo đường hay gây biến chứng mắt theo 2 cách. Thứ nhất là làm gia tăng tốc độ đục thủy tinh thể. Thứ 2 là gây tổn thương đáy mắt như xuất tiết, xuất máu đáy mắt, xuất máu dịch kính hoặc thậm chí là gây bong võng mạc. Kèm theo là giảm thị lực ở các mức độ, nhẹ là hình ruồi bay, chói mắt, nặng là nhìn mờ, nặng nhất là mù.
- Chậm liền các vết thương: Đường máu cao sẽ ức chế hoạt động của hệ thống miễn dịch và các bạch cầu có chức năng bảo vệ cơ thể nên sẽ giảm khả năng chống đỡ sự tấn công của các vi khuẩn, và làm chậm quá trình liền vết thương tự nhiên. Với các bệnh nhân nữ, một biểu hiện quan trọng là rất hay bị nhiễm trùng tiết niệu, sinh dục…tái phát không rõ nguyên nhân.
- Tê bì chân tay: Đường máu cao cũng sẽ gây tổn thương các dây thần kinh. Biểu hiện của biến chứng thần kinh là tê bì hoặc nóng rát các đầu ngón tay, ngón chân, gan bàn chân. Một số bệnh nhân bị biến chứng nặng, mất cảm giác là điều kiện thuận lợi bị chấn thương gây loét bàn chân.
- Sưng đau răng lợi: đái tháo đường làm giảm khả năng chống khuẩn, làm tăng nguy cơ bị nhiễm trùng răng lợi. Nhiều người bệnh đái tháo đường bị rụng răng sớm và nhiều”. “Hết thuốc nhưng không mua dùng tiếp vì sắp đến ngày khám lại Nhiều người bệnh nghĩ là hết thuốc vài ba ngày chắc cũng không sao nhưng chỉ cần nửa ngày không có thuốc là đường máu đã tăng cao, có thể gây nhiễm toan xê tôn và người bệnh phải đi cấp cứu. Đặc biệt nếu không dùng thuốc thường xuyên thì đường máu dao động nhiều sẽ làm tăng cao nguy cơ bị các biến chứng mạn tính của đái tháo đường. Vì vậy nếu chưa đi khám được thì người bệnh nên mua tiếp và dùng thuốc theo đơn cũ”.
“Dùng mãi một đơn thuốc Chúng tôi gặp nhiều bệnh nhân rất lười đi khám, dùng mãi một đơn thuốc vì cho rằng đơn thuốc đó là rất tốt và phù hợp. Thực tế đái tháo đường typ 2 là bệnh mạn tính và tiến triển liên tục, khả năng tiết insulin nội sinh sẽ giảm dần và đường máu có xu hướng sẽ tăng dần. Một đơn thuốc có thể rất tốt tại thời điểm hiện tại nhưng sẽ không còn phù hợp sau 3 hay 6 tháng sau, vì vậy người bệnh cần đi khám để được điều chỉnh liều trước khi quá muộn” “Tự chữa các vết loét bàn chân ở nhà Người bệnh và người nhà thường cho rằng vết loét nhỏ xíu có gì mà đáng ngại, nó sẽ tự liền nhanh thôi mà. Nhưng ở người bệnh đái tháo đường, có vết loét ở bàn chân, dù rất nhỏ, nghĩa là họ đã có nhiều biến chứng nặng như biến chứng thần kinh, mạch máu…và nếu không được điều trị đồng thời tất cả những biến chứng này thì vết loét sẽ không thể liền được, nó sẽ lan rất nhanh và làm tăng nguy cơ bị cắt cụt chân, thậm chí đe dọa tính mạng. Vì vậy trong trường hợp này, tự làm bác sỹ đồng nghĩa với đao phủ”.
“Hãy duy trì đời sống tình dục Bệnh đái tháo đường có thể là thủ phạm của một số rối loạn tình dục, như giảm ham muốn, rối loạn cương dương, viêm nhiễm đường sinh dục… và người bệnh thường hay lảng tránh đề cập đến chuyện này. Vì thế nếu bạn thấy bạn đời của mình không hề đòi hỏi hoặc không có khả năng quan hệ tình dục… thì hãy nghĩ đó là do bệnh đái tháo đường. Đừng than trách hoặc đổ lỗi cho họ vì làm như vậy sẽ khiến tình trạng này tồi tệ thêm mà hãy nói chuyện với người bạn tình của mình, và với bác sỹ. Rối loạn hoạt động tình dục ở cả nam và nữ đều có thể điều trị được, và có thể thực hiện những hoạt động tình dục khác bên cạnh hoạt động tình dục thông thường”.