Ở Việt Nam, mướp Nhật có nhiều tên gọi khác nhau như khổ qua tây, mướp rắn, quả lặc lè, mướp rồng Nhật Bản… Ngoài việc được dùng để chế biến những món ăn ngon, loại mướp này còn có công dụng giảm sốt, trị bệnh tiểu đường, vàng da…
Mướp Nhật khá dễ trồng.
1. Chuẩn bị dụng cụ trồng, đất trồng và giống
Dụng cụ trồng
Bạn có thể tận dụng bao nion, bao xi măng, chậu, khay, thùng xốp có sẵn trong nhà hoặc mảnh đất trống trong vườn để trồng mướp Nhật. Lưu ý: Dưới đáy khay đục lỗ để thoát nước.
Đất trồng
Mướp Nhật có thể phát triển tốt ở nhiều loại đất khác nhau. Tuy nhiên, cây sẽ cho năng suất cao nhất nếu được trồng ở đất pha cát hoặc các loại đất có khả năng thoát nước tốt.
Nên bón lót với vôi rồi phơi ải từ 7 - 10 ngày trước khi gieo trồng hạt giống để xử lý các mầm bệnh có trong đất. Bạn có thể mua đất sẵn hoặc tiến hành trộn đất với phân bò hoai mục, phân gà, phân trùn quế, vỏ trấu, xơ dừa, than bùn, mùn hữu cơ…
2. Ngâm ủ và gieo hạt
Vỏ của hạt mướp khá dày nên bạn cần ngâm chúng vào nước ấm ở nhiệt độ khoảng 40 độ C trong vòng 4 - 5 tiếng để hạt cây nở ra. Sau đó đem ủ vào khăn ấm 10 - 12 tiếng cho hạt nứt nanh rồi mới đem trồng.
Bạn cũng có thể bỏ qua bước ngâm ủ hạt giống và trồng trực tiếp để đỡ tốn thời gian. Tuy nhiên như vậy hạt giống sẽ lâu nảy mầm hơn.
Bạn có thể ươm hạt ở các bầu đất nhỏ rồi đem trồng hoặc gieo hạt trực tiếp. Nếu gieo hạt trực tiếp, đào hố rộng khoảng 50 x 50cm. Trộn đều đất với phân chuồng ủ mục vào hố. Cho hạt mướp Nhật vào và phủ lên hạt lớp đất mỏng. Sau đó tưới ít nước cho ẩm đất.