Bông điên điển được xem là “đặc sản” trong mùa lũ, đúng vào các bữa ăn như làm dưa chua, nấu canh, đặc biệt bông tươi mới hái về làm gỏi trộn thịt gà hoặc rắn ri voi thì tuyệt vô cùng. Nếu cây trồng thành diện rộng vào mùa nước thì còn có nguồn thu từ thủy sản không nhỏ. Nhưng còn một tác dụng vô cùng to lớn là dùng cây điên điển vào việc cải tạo đất. Đất trồng trọt lâu ngày, việc sử dụng phân bón vô cơ, thuốc hóa học làm cho đất trở nên cằn cỗi, bạc màu. Sau khi được cải tạo bằng cây điên điển sẽ trở nên màu mỡ, tơi xốp, giữ ẩm…
Đặc tính cây điên điển:
- Tên khoa học là Sesbania aculata; chiều cao cây là 4 đến 5m; chiều rộng tán cây là 2 đến 3m; rễ ăn sâu khoảng 60 đến 70cm; trọng lượng 1 cây nếu điều kiện tốt lên tới 20kg.
- Sau 1 vụ trồng từ 4-5 tháng 1 ha có thể thu được khoảng 60-70 tấn hữu cơ, lượng đạm thu được từ khí trời khoảng 100kg nitơ tương đương 4 bao urê.
- Là loài cây hoang dã nên dễ thích nghi với môi trường, có sức cạnh tranh mãnh liệt với sâu bệnh và các cây cỏ khác.