Ngô tím có thành phần và giá trị dinh dưỡng cao: chứa nhiều beta caroten, vitamin A, sinh tố B (thiamin, riboflavin, niacin), C, hợp chất phenolic và nhiều khoáng vi lượng như Ca, P, Fe, Na, K, protein, chất xơ, dầu, đường. Bên cạnh đó, màu tím hạt bắp được quy định bởi sắc tố anthocyanin rất có ích cho sức khỏe.
Theo những nghiên cứu trong nước và nước ngoài cho thấy bắp (ngô) tím có nhiều chất dinh dưỡng tốt cho sức khỏe trong việc bổ sung dưỡng chất và chữa một số bệnh như: tiểu đường, tốt cho tim mạch, ngừa ung thư,…
Ngô tím được chế biến thành: bắp luộc, xôi bắp, sữa bắp, có thể ăn sống... Do tính bền, ổn định nhiệt trong biên độ rộng, anthocyanin vẫn giữ nguyên các hoạt tính sau khi chế biến. Thân cây ngô tím có thể phơi khô để đun nước uống, nước có vị ngọt mát, tốt cho thận và sức khỏe.
* Quy trình kỹ thuật trồng ngô nếp tím:
Thời vụ trồng ngô nếp tím: Trồng được quanh năm, cần tính kỹ thời điểm xuống giống để tránh bắp trổ cờ, phun râu vào lúc nhiệt độ quá cao (trên 35 độ C) hoặc quá thấp (dưới 15 độ C).
Chuẩn bị đất trồng ngô nếp tím: Ngô nếp tím có phổ thích ứng rộng, thích hợp trên các chân đất màu mỡ. Làm sạch cỏ dại, cày bừa đất tơi xốp, bón 50 – 100 kg vôi/1.000 m2 (tùy loại đất) hoặc các loại phân hữu cơ vi sinh khác tùy điều kiện canh tác mỗi vùng.
Gieo trồng ngô nếp tím: Mật độ gieo trồng: Nên trồng thưa hơn các loại bắp nếp khác với mức từ 4.000 – 4.600 cây/1.000 m2, khoảng cách cây cách cây 30 – 35 cm, hàng cách hàng 70 – 75 cm. Cần 0,8 – 1,0 kg hạt giống/1.000 m2, do hạt giống nhỏ (5.500 – 6.000 hạt/kg).
Gieo trực tiếp hạt khô, không cần ngâm ủ, gieo 1 hạt/lỗ vì giống có tỷ lệ nảy mầm tốt. Để ruộng bắp được đồng đều và tránh mất cây, bà con nên gieo dự phòng khoảng 5% hạt giống so với tổng lượng giống ta gieo và cây gieo dự phòng nên gieo trước 2 ngày trong bầu hoặc trong cát để dặm các cây bị mất.