✅ Giới thiệu nguồn gốc sầu riêng da xanh Ri6
Giống sầu riêng da xanh Ri6 gắn liền với tên tuổi ông Sáu Ri (tên thật là Nguyễn Minh Châu) ngụ tại xã Bình Hòa, huyện Long Hồ, tỉnh Vĩnh Long. Năm 1999 ông và gia đình mang giống sầu riêng của mình đi thi hội thi Trái Cây Ngon Đồng Bằng Sông Cửu Long và đoạt giải nhất. Từ đó giống được nhiều người biết đến và ưa chuộng. Về sau để tạo thương hiệu cho giống sầu riêng của gia đình, con trai ông Sáu Ri là ông Nguyễn Minh Trung quyết định đặt tên giống là sầu riêng Ri6 một cách gọi theo tên thân mật để ghi nhớ công sức của cha mình.
Nói về nguồn gốc chính xác của giống thì đây là giống nhập khẩu, được một người họ hàng của ông Sáu mang về từ Myanmar. Năm 1990 ông Sáu mua 6 cây giống với giá 30 giạ lúa và trồng trong khu vườn nhà mình. Kể từ năm 1999 đến nay, giống sầu riêng Ri6 đã liên tiếp đoạt nhiều giải thưởng về cây ăn trái, được người dân từ khắp nơi đổ về mua giống, do đó nguồn cung giống hiện nay đã dễ dàng hơn rất nhiều
✅ Đặc điểm chính của giống sầu riêng da xanh Ri6
·Quả to, cân đối, vỏ hơi dày, mỗi trái có từ 4-5 khía múi
·Quả nặng trung bình từ 3-5kg/quả
·Quả khi chín có vỏ màu xanh tươi, khi chưa bổ thì rất ít mùi thơm (do vỏ dày)
·Cơm dày và rất vàng, bắt mắt, vị ngọt đậm, không xơ
·Hạt lép nhỏ, có múi không có hạt
·Nhìn chung hương vị của giống sầu riêng Ri6 rất được thị trường ưa chuộng, vỏ dày giúp quả để được lâu sau thu hoạch, có thể để chín tự nhiên mà không cần xử lý hóa chất. Phần cơm có màu sắc bắt mắt, ăn có mùi thơm béo đặc trưng. Phù hợp cho tiêu thụ trong nước lẫn xuất khẩu ra nước ngoài
Yêu cầu khí hậu và đất trồng sầu riêng
Nhìn chung khí hậu và đất đai tại Việt Nam thích hợp với hầu hết các giống sầu riêng, đặc biệt từ miền trung trở vào phía nam, các khu vực trồng sầu riêng trải đều từ Tây Nguyên (đất đỏ bazan), đến đồng bằng sông Cửu Long (đất phù sa). Ở miền bắc một số khu vực có thể trồng sầu riêng tuy nhiên năng suất và sinh trưởng thường không ổn định. Các thông số cụ thể cho đất trồng và khí hậu đối với cây sầu riêng như sau
·Đất trồng sầu riêng phải thoát nước tốt, không ngập úng, không nhiễm mặn, pH của đất từ 5-6. Kết cấu đất phải tơi xốp, giàu mùn. Tầng canh tác từ 1m trở lên. Nếu trồng ở vùng đất phù sa phải tiến hành đắp mô đào mương để hạn chế ngập úng
·Về khí hậu: Phải có sự phân chia rõ rệt giữa 2 mùa mưa nắng, mùa nắng không kéo dài quá 4 tháng. Lượng mưa trung bình trong năm phải từ 1500-2000mm/năm. Độ cao so với mặt nước biển không yêu cầu quá khắt khe, từ 300m trở lên là trồng được sầu riêng
·Về gió và ánh sáng: Sầu riêng là cây gỗ lớn, tán rộng, nên cần nhiều ánh sáng để sinh trưởng, không nên trồng mật độ dày, trồng xen với các loại cây lớn, xung quanh vườn nên trồng các cây chắn gió để hạn chế gãy cành, tăng tỷ lệ đậu quả…
lựa chọn giống sầu riêng
Các giống sầu riêng được thị trường ưa chuộng hiện nay hầu hết là sầu riêng có nguồn gốc từ Thái Lan (Sầu riêng Dona, sầu riêng Mon thon) hoặc Malaysia (Sầu riêng Musang King)… Các giống trong nước thì có giống Sáu ri (còn gọi sầu riêng RI6), đây đều là các giống có năng suất cao, cơm vàng, hạt lép, vỏ mỏng… nhiều ưu điểm nổi trội. Thị trường tiêu thụ rộng, phù hợp trong nước lẫn xuất khẩu. Nếu có ý định trồng sầu riêng để kinh doanh thì bà con nên chọn các giống vừa nêu, riêng giống Dona – Monthong, mùa vụ 2017 giá thu mua tại vườn lên đến 80.000đ/kg. Giá trị kinh tế rất cao.Mật độ trồng sầu riêng
·Trồng thuần: khoảng cách 8 x 8m hoặc 8 x 10m. Tương đương 125 – 156 cây/hecta
·Trồng xen (cà phê, ca cao): Khoảng cách 9 x 9m hoặc 9 x 12m. Tương đương 70 – 100 cây/hecta
Chuẩn bị đất trồng – hố trồng sầu riêng
·Hố trồng sầu riêng có kích thước 60 x 60 x 60cm, đất xấu thì có thể đào 70. Mỗi hố ta bón 25-30kg phân chuồng hoai mục + 0,3-0,5kg lân + 0,2kg NPK (16-16-8 hoặc 20-20-10) + 10-20g thuốc Basudin / Furadan (chống mối, côn trùng) trộn đều với lớp đất mặt, lấp đầy hố, tưới đẫm nước và ủ trong vòng 15-30 ngày trước khi trồng
·Riêng đất ở vùng đồng bằng, cần tiến hành đắp mô và đào mương. Mỗi mô đất rộng 5-7m, bên cạnh đào mương sâu 1-2m rộng 2-3m. Có thể điều tiết được lượng nước trong mương. Trên mỗi mô đất cũng bổ sung thật nhiều phân chuồng, tro trấu, để tăng độ mùn và giúp đất tơi xốp.