Tác phẩm: Sách “CÁC VẤN ĐỀ CỦA TRIẾT HỌC” Tác giả: Bertrand Russell Biên dịch: Huỳnh Duy Thanh Viện IRED phát hành | Nhà xuất bản Khoa học xã hội
CÁC VẤN ĐỀ CỦA TRIẾT HỌC
Bertrand Russell (1872 – 1970) viết tác phẩm nhập môn triết học lừng danh này năm 1911, từ đó, trong cũng như ngoài các trường Đại học, nhiều thế hệ sinh viên triết đã đọc quyển “Các vấn đề của Triết học” này. Quyển sách thuộc về một trong những giai đoạn sáng tác triết học sung mãn nhất của Russell.
Mặc dù quyển sách này viết để giới thiệu cho giới bạn đọc phổ thông – Russell gọi nó là “tác phẩm gây sửng sốt đáng vài xu” – nhưng nó trưng ra nhiều lập trường xác định và giới thiệu nhiều ý tưởng hoàn toàn mới, chẳng hạn về chân lý. Nó làm được như thế một cách sinh động, không giáo điều, không rối rắm, cùng một tính rõ ràng sáng tỏ. Chắc chắn cuốn sách này xứng đáng được hoan nghênh liên tục.
Ngoài tính lợi ích trong việc chỉ ra được những triển vọng không ngờ tới, triết học còn có một giá trị − có lẽ là giá trị chính của nó − nhờ độ lớn lao của những đối tượng mà nó chiêm nghiệm, và sự tự do thoát khỏi những mục tiêu cá nhân và hạn hẹp nhờ sự chiêm nghiệm này. Cuộc đời của con người bản năng bị nhốt trong vòng những mối quan tâm riêng tư, có thể bao gồm gia đình và bạn bè, nhưng ngoại giới không được suy xét tới trừ phi nó thúc đẩy hay cản trở những gì đến trong vòng tròn ước muốn bản năng. Trong một cuộc đời như thế có cái gì đó bồn chồn và hạn hẹp mà so với nó cuộc đời triết lý thì bình lặng và tự do. Thế giới riêng tư của những quan tâm bản năng là một thế giới nhỏ nhoi, bị nhấn vào một thế giới uy lực và lớn lao mà sớm hay muộn cũng làm thế giới riêng tư của chúng ta hoang tàn. Nếu không mở rộng được những mối quan tâm của chúng ta ra cả thế giới bên ngoài, chúng ta vẫn cứ là một tên lính trong pháo đài bị vây, biết rằng kẻ thù chặn đường thoát và chẳng chóng thì chày cũng phải đầu hàng. Trong một cuộc đời như thế chẳng có bình an mà chỉ có xung đột liên tục giữa dục vọng không ngừng và ý chí bất lực. Theo cách này hay cách khác, nếu muốn cuộc đời chúng ta to lớn và tự do, chúng ta phải thoát khỏi ngục tù và xung đột này.
Một cách trốn thoát là bằng chiêm nghiệm triết học.