Cây Măng Vầu
Đặc điểm cây Măng Vầu:
Cây Măng Vầu (cây Măng Vầu ngọt) thuộc họ tre, thân trung bình và không có gai. Thân cây Vầu cao 15-20m, đường kính 10- 20cm. Thân non màu xanh nhạt, phủ lông mềm, thưa, màu trắng, sau rụng đi. Thân già có màu xanh đậm sau ngả sang màu xám. Chiều dài lóng giữa thân 40-60cm, dài nhất 80cm, tủy thân xếp giống bọt biển và có dạng màng ngăn. Cây thường mọc tản có thân ngầm lan rộng trong đất, đường kính 1-3cm.
Cây Vầu phân cành muộn, phần không có cành thường tròn đều, vòng đốt không nổi rõ. Phần thân có cành thường có vết lõm dọc lóng, đốt phình to, gờ nổi cao. Cành trên mỗi mắt thường 2-3 hoặc nhiều hơn. Lá 3-6 trên cành nhỏ, lá hình mác dạng dải, dài 11-28cm, rộng 1,5-5cm, bẹ lá không lông, tai lá thường không phát triển. Mùa măng từ tháng 2 đến tháng 5.
Cây mọc tự nhiên ở Lào Cai, Yên Bái, Hà Giang, Tuyên Quang, Phú Thọ, Thái nguyên... Cây Vầu được trồng ở những vùng có gò đồi cao và thường được trồng xen lẫn với đồi chè, sắn như ở Tuyên Quang, Yên Bái, Phú Thọ…
Công dụng của cây Măng vầu:
Măng Vầu ăn ngon, ngọt và rất lành, khi nấu không cần luộc bỏ nước, măng nhanh chín, không phải ninh lâu như các loại măng khác. Măng được chế biến thành nhiều món như: Măng cuốn thịt, măng xào với củ kiệu, măng nộm, nấu canh, luộc chấm với muối vừng, măng phơi khô để dành. Hoặc cho măng vào bếp củi nướng, ăn đậm đà và thơm ngon hơn. Ngoài ra, vỏ ngọn măng khi bóc ra còn dùng làm thức ăn cho trâu, bò…