Cây xương rồng còn được gọi là hóa ương lặc, bá vương tiêm, có tên khoa học là Euphorbia antiquorum L. – thuộc ho Thầu dầu (Euphorbiaceae). Xương rồng thuộc loại cây nhỡ và có những đặc điểm như sau:
Cây có thể cao từ 7 – 8m, chứa nhiều nước và phân thành nhiều cành, cành cây có 3 cạnh lồi;
Lá cây ít, nhỏ và phần lớn biến thành gai. Cuống lá rất ngắn, hình trứng ngược, gân lá không phân rõ và được mọc từ cạnh mép của cành;
Hoa cây mọc thành tán, cuống hoa ngắn. Mỗi cụm hoa chứa 3 tổng bao hình cầu dẹt, đường kính 1cm. Hoa cây màu vàng và thường không có cuống khi mọc ở giữa. Vòi nhụy hoa tách rời, xẻ 2 đầu. Cây ra hoa vào mùa xuân;
Quả cây có đường kính khoảng 1cm.
Thực tế, trong tự nhiên có hơn 2000 loại xương rồng khác nhau, trong đó hai loại là xương rồng ba cạnh và xương rồng bẹ được sử dụng nhiều trong các bài thuốc chữa bệnh. Có thể phân biệt hai loại xương rồng này qua các đặc điểm cây như sau:
Xương rồng ba cạnh: Thân và cành cây có cấu tạo 3 cạnh lồi rõ ràng, chiều cao trung bình của cây khoảng từ 1 – 3m. Lá cây nhỏ, cuống lá ngắn và thường mọc trên các cạnh lồi của cây. Hoa cây màu vàng, mọc thành cụm, quả cây có màu xanh;
Xương rồng bẹ: Còn được gọi là xương rồng tai thỏ, bởi hình dáng cây giống tai thỏ. Loại cây này được sử dụng nhiều trong các bài thuốc trị đau lưng. Thân cây phân thành nhiều nhánh có cùng hình dạng nhưng khác nhau về kích thước. Toàn thân được bao phủ bởi gai, quả cây màu xanh khi non và chuyển thành màu đỏ hồng khi chín.